Cholesterol là một chất béo steroid, mềm, màu vàng nhạt, có ở màng tế bào. Vậy cholesterol cao là bệnh gì và cách phòng bệnh ra sao là câu hỏi của nhiều người. Cholesterol cao là tình trạng nồng độ cholesterol trong cơ thể cao hơn mức bình thường. Cholesterol đóng một vai trò trong việc cấu tạo nên các tế bào khỏe mạnh nhưng cholesterol cao có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim. Dưới đây chúng ta cùng đi tìm hiểu chi tiết xem cholesterol cao là bệnh gì và cách phòng bệnh ra sao.
* Cholesterol cao là bệnh gì?
Cholesterol cao có thể gây ra các bệnh sau:
+ Đau thắt ngực: Đau thắt ngực, được đặc trưng bởi sự co thắt ngực và đau, là kết quả của việc hạn chế lưu thông máu các động mạch bị tắc bởi có quá nhiều cholesterol xấu. Các động mạch bị tắc và hẹp lại vì sự lắng đọng các chất béo, gây cản trở lưu thông máu tới tim. Đau thắt ngực có thể dẫn tới bệnh tim mạch.
+ Bệnh động mạch ngoại biên: Cholesterol cao có thể làm tăng khả năng mắc bệnh động mạch ngoại biên. Bệnh này là do các động mạch ở chân bị tắc nghẽn do tích tụ mảng bám. Kết quả là chân của bạn không nhận đủ oxy hoặc máu và hình thành bệnh động mạch ngoại biên, vốn là bệnh gây đau đớn của các động mạch chân. Bên cạnh những ảnh hưởng tới chân, động mạch ngoại biên có thể đe dọa đau tim và gây ra các vấn đề tim mạch khác.
+ Huyết áp cao: Trong khi cholesterol tốt không gây tăng huyết áp thì cholesterol xấu lại gây ra tình trạng này. Trên thực tế, cholesterol tốt có thể giúp đạt được huyết áp bình thường. Hàm lượng cao cholesterol xấu có thể dính vào thành động mạch cũng như các mạch máu khác. Nó làm tắc nghẽn lưu thông máu, khiến tim phải làm việc vất vả gấp đôi. Ngoài ra, cũng có một lực máu mạnh hơn trên thành động mạch, dẫn đến tăng huyết áp.
+ Đột quỵ: Khi các động mạch tới não bị tắc nghẽn hoặc hẹp do hàm lượng cholesterol cao, máu và oxy không thể tới não. Nếu các tế bào não không nhận đủ oxy và máu, chúng bắt đầu chết và gây đột quỵ. Các dấu hiệu và triệu chứng của đột quỵ gồm nói khó hoặc líu lưỡi, đi lại khó khăn, liệt hoặc tê một bên mặt hoặc cơ thể, nhìn mờ, nhìn đôi hoặc có điểm đen. Một số người bị đau đầu đột ngột và dữ dội có thể gây nôn, chóng mặt hay kém nhận thức. Đột quỵ đòi hỏi phải có can thiệp y tế ngay lập tức.
+ Xơ vữa động mạch: Cholesterol tăng cao không kiểm soát được có thể gây xơ vữa động mạch, xuất hiện khi các mảng bám tích tụ trong thành động mạch. Mảng bám là chất được tạo thành bởi cholesterol, chất béo và canxi. Mảng bám tích tụ trong thành động mạch sẽ khiến cho động mạch bị cứng và hẹp lại, có thể gây tắc nghẽn làm máu và oxy không thể lưu thông. Kết quả là sẽ gây đột quỵ và đau tim. Các dấu hiệu và triệu chứng của xơ vữa động mạch có thể bao gồm đau ngực, khó thở, tê hoặc đau các chi. Tuy nhiên, ở một số người không có bất cứ triệu chứng nào.
+ Đau tim: Khi cholesterol hình thành trong thành động mạch, cản trở lưu thông oxy và máu, một người sẽ có nguy cơ bị đau tim. Trong khi đau tim, các mảng bám vỡ ra và hình thành cục máu đông, có thể ngăn không cho động mạch nhận máu, oxy và các cơ tim bắt đầu chết. Nếu lưu thông máu được phục hồi đúng lúc, qua hồi sức tim phổi, tim có thể hoạt động trở lại. Các dấu hiệu và triệu chứng của đau tim có thể gồm khó thở, đau ngực, đổ mồ hôi, ngất xỉu, buồn nôn, nôn và đau bắt đầu từ ngực, tỏa đến vai, cánh tay, lưng và thậm chí cả răng, hàm. Những người từng có những dấu hiệu và triệu chứng này nên đi khám bác sĩ ngay lập tức.
+ Sỏi mật: Sỏi cholesterol chiếm đến hơn 80% các trường hợp bị sỏi mật. Hàm lượng cholesterol cao là một trong những nguyên nhân chính gây ra bệnh sỏi mật, đồng thời chúng cũng là thủ phạm gây ra triệu chứng: đầy trướng, chậm tiêu, đau tức hạ sườn phải… Nếu bạn đang mắc bệnh sỏi mật, trước hết bạn cần cắt giảm chất béo và hạn chế các thực phẩm giàu cholesterol. Các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo, những người khỏe mạnh có thể ăn được 300mg cholesterol/ngày, nhưng khi mắc sỏi mật thì không nên ăn quá 200 mg cholesterol/ngày. Trong trường hợp xuất hiện các triệu chứng đau, đầy trướng, chậm tiêu, khó tiêu thì tạm thời có thể cắt giảm hoàn toàn nguồn chất béo từ động vật.
* Nguyên nhân gây ra tình trạng cholesterol cao
Để có thể vận chuyển trong máu, cholesteron phải gắn với protein. Sự kết hợp của protein và cholesterol được gọi là lipoprotein. Cholesterol có thể có các loại khác nhau, bao gồm:
- Lipoprotein tỉ trọng cao (HDL): Cholesterol HDL hay cholesterol “tốt” thu lại các cholesterol dư thừa và đưa chúng trở lại gan.
- Lipoprotein tỉ trọng thấp (LDL): Cholesterol LDL hay cholesterol “xấu” vận chuyển các hạt cholesterol đi khắp cơ thể. Cholesterol LDL tích tụ ở thành động mạch và khiến thành động mạch cứng, hẹp hơn bình thường;
Một số yếu tố như không hoạt động, béo phì và chế độ ăn uống không lành mạnh có thể làm tăng nồng độ cholesterol LDL, làm giảm lượng cholesterol HDL và gây ra tình trạng này. Bên cạnh đó, cấu trúc gen cũng có thể làm hạn chế khả năng loại bỏ LDL của các tế bào hay khiến gan sản xuất quá ra nhiều cholesterol.
+ Chế độ ăn không hợp lý: Chất béo bão hòa có trong các sản phẩm động vật và chất béo chuyển hóa có trong một số bánh quy nướng, bánh quy giòn có thể làm tăng nồng độ cholesterol trong máu. Thực phẩm có nhiều chất cholesterol chẳng hạn như thịt đỏ và các sản phẩm sữa giàu chất béo cũng sẽ làm tăng cholesterol;
+ Ít tập thể dục: Tập thể dục giúp tăng cholesterol HDL và làm giảm cholesterol LDL trong cơ thể;
+ Béo phì: Nếu có chỉ số khối cơ thể (BMI) là 30 hoặc lớn hơn, bạn có nguy cơ cao bị tình trạng này;
+ Hút thuốc lá: Khói thuốc lá có thể làm tổn thương thành mạch máu khiến chất béo dễ tích tụ lại hơn;
+ Đái tháo đường: Đường huyết cao góp phần làm tăng cholesterol LDL và làm giảm cholesterol HDL hoặc làm tổn thương thành các động mạch.
+ Chu vi vòng eo lớn: Nếu có chu vi vòng eo từ 102 cm trở lên ở nam giới hoặc từ 89 cm trở lên ở nữ giới, nguy cơ mắc bệnh của bạn khá cao;
* Cách phòng bệnh cholesterol cao
Để phòng ngừa căn bệnh này, người cao tuổi phải có một chế độ ăn uống thích hợp, trước hết là phải giảm lượng chất béo bằng cách không ăn mỡ động vật, giảm lượng chất béo trong khẩu phần ăn sao cho giảm lượng cholesterol ăn vào xuống dưới 250mg/ngày.
+ Các thực phẩm giảm cholesterol gồm trà xanh, các loại hạt như hạt dẻ, các loại các, ngũ cốc nguyên hạt, hoa quả tươi, rau xanh,...
+ Nên ăn các loại dầu thực vật như lạc, ôliu, đậu tương và bổ sung thêm dầu cá. Nên ăn các loại hạt dẻ, bí ngô... để cung cấp các axit béo không no.
+ Các loại rau quả giàu vitamin như gấc, đu đủ chín, xoài, rau ngót, rau dền, rau mồng tơi... cũng là nguồn thức ăn giúp giảm cholesterol trong máu.
+ Các sản phẩm chế biến từ đậu tương vì đậu tương có chứa nhiều estrogen thực vật làm giảm đáng kể nồng độ cholestrol toàn phần, ăn gạo lứt, gạo giã dối để cung cấp thêm chất xơ, góp phần đào thải cholesterol ra ngoài.
+ Bên cạnh đó, người bệnh cần kiêng các thực phẩm sau: mỡ động vật, các phủ tạng động vật, gia cầm, trứng. Hạn chế ăn đường, thịt các loại, thuốc lá, rượu bia. Bên cạnh đó, phải tập thể dục thường xuyên.
Có thể bạn quan tâm:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét