Bệnh mạch vành là căn bệnh nguy hiểm và phổ biến hiện nay. Vậy nguyên nhân bệnh mạch vành là gì và cách phòng bệnh ra sao là câu hỏi của nhiều người. Bệnh mạch vành hay bệnh động mạch vành là căn nguyên tử vong số 1 trong số các bệnh lý tim mạch và có xu hướng ngày càng gia tăng mạnh ở Việt Nam. Các biến chứng của mạch vành bao gồm: Nhồi máu cơ tim, rối loạn nhịp tim và nguy hiểm nhất suy tim, đẩy người bệnh vào cuộc chiến sinh tử giành giật tính mạng từ tay tử thần. Dưới đây chúng ta cùng đi tìm hiểu nguyên nhân và cách phòng bệnh mạch vành.
* Nguyên nhân bệnh mạch vành là gì?
Nguyên nhân gây ra bệnh mạch vành là do chất mỡ (cholesterol) trong máu tăng lên, lắng đọng lại tạo thành mảng xơ vữa làm cho lòng mạch bị hẹp hoặc tắc hoàn toàn khiến cho máu đến vùng cơ tim tương ứng bị thiếu và gây ra những cơn đau ngực, nhất là khi gắng sức. Khi động mạch vành hẹp trên 50% khẩu kính lòng mạch, cơn đau ngực có thể xảy ra. Nếu mạch máu tắc thì nguy cơ hoại tử cơ tim gây đột tử hoặc nhẹ hơn là giảm sức lao động. Khi mảng xơ vữa bị vỡ, có thể gây tắc mạch đột ngột và cũng gây ra hoại tử cơ tim. Đây là những biến chứng rất nặng.
+ Các yếu tố nguy cơ: Có rất nhiều yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh mạch vành, trong đó hay gặp nhất những người có tiền sử hút thuốc lá, tăng huyết áp, bệnh đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, béo phì, ít vận động, ăn uống không hợp lý, ăn nhiều chất béo từ mỡ động vật, cuộc sống có nhiều căng thẳng và hay gặp ở người lớn tuổi. Tuy nhiên, đây là những nguy cơ có thể phòng ngừa được.
+ Chẩn đoán dễ dàng: Việc chẩn đoán bệnh mạch vành ngày nay đã trở nên dễ dàng. Ngoài các phương pháp thăm dò đơn giản như điện tim đồ, siêu âm tim đến các phương pháp hiện đại như xạ hình tưới máu cơ tim, chụp cắt lớp vi tính đa dãy (MSCT) và chụp động mạch vành. Phương pháp chụp động mạch vành là phương pháp quan trọng nhất, cho biết chính xác động mạch vành có bị hẹp hay không, vị trí, mức độ hẹp... từ đó giúp thầy thuốc chuyên khoa có phương pháp điều trị thích hợp. Đây là phương pháp có xâm lấn, bác sĩ chuyên khoa can thiệp mạch sẽ luồn một ống nhỏ vào động mạch ở bẹn lên đến động mạch vành, sau đó bơm thuốc cản quang và chụp bằng tia Xquang ở các tư thế khác nhau. Hiện nay, các bệnh viện tuyến Trung ương và một số bệnh viện tuyến tỉnh đã có các trung tâm tim mạch để chụp được mạch vành.
* Triệu chứng của bệnh mạch vành
Triệu chứng phổ biến nhất của bệnh mạch vành chính là cơn đau thắt ngực, khó thở. Một số trường hợp còn đi kèm với cơn tăng huyết áp, nhịp tim nhanh... Với ở phụ nữ thì ít bị đau ngực nhưng thường có có cảm giác chán ăn, mệt mỏi, ợ nóng, buồn nôn, đau lưng, đau hàm... Ngoài ra, có nhiều người mắc bệnh mạch vành không có triệu chứng, còn gọi là thiếu máu cơ tim thầm lặng. Quá trình bệnh tiến triển âm thầm nhưng không gây ra bất kỳ dấu hiệu cảnh báo nào. Điều này đặc biệt nguy hiểm khi người không nhận biết được tình trạng sức khỏe của mình để điều trị kịp thời, chỉ đến khi cơn nhồi máu cơ tim xảy ra thì đã quá muộn để phòng tránh.
* Cách phòng bệnh mạch vành
Giải pháp lâu dài và hữu hiệu nhất vẫn là sự thay đổi các thói quen không tốt cũng như kiểm soát các yếu tố nguy cơ nhằm giúp chất lượng cuộc sống tốt hơn. Hãy kiểm soát hoạt động thể lực, tránh các sang chấn tinh thần (stress), các thói quen ăn uống không có lợi cho sức khoẻ, hạn chế uống rượu, bỏ thuốc lá và tránh khói thuốc, kiểm soát tốt các bệnh lý kèm theo để có cuộc sống dễ chịu hơn và khoẻ mạnh hơn.
+ Đồng thời cần phát hiện và điều trị những bệnh liên quan đến bệnh động mạch vành như đái tháo đường, rối loạn lipid máu, tăng huyết áp, béo phì - thừa cân.
+ Tập thể dục, vận động vừa với sức khỏe: đối với bệnh tim mạch, tập đều đặn tốt hơn là tập với cường độ cao. Đơn giản nhất là đi bộ 30 phút mỗi ngày vào buổi sáng hoặc buổi tối ít nhất 5 lần mỗi tuần. Đi bộ trên máy chạy bộ hoặc đi ngoài trời đều có hiệu quả.
+ Thay đổi lối sống: xây dựng một lối sống thanh thản, vui vẻ, tránh căng thẳng quá mức, nhất là tình trạng stress; thực hiện một chế độ sinh hoạt, làm việc điều độ, sắp xếp công việc hợp lý. Người mắc bệnh động mạch vành thường được khuyên không hút thuốc, không ăn mặn và không ăn quá nhiều chất bột đường.
+ Chế độ ăn uống phù hợp: thành phần dinh dưỡng chủ yếu của người bệnh tim mạch bao gồm các loại ngũ cốc thô, các loại đậu, các loại hạt và rau quả. Nên ăn nhiều các loại rau quả, nhất là các loại rau lá màu xanh đậm, màu vàng và màu đỏ. Những loại rau quả này có nhiều sinh tố và nhiều chất chống oxy hoá khác, nhất là các sinh tố C, E, A, B2, B6, Acid Folic cần thiết cho nhu cầu chuyển hoá, cho hoạt động của hệ miễn dịch, tăng cường sức bền của mạch máu và bảo vệ thành mạch khỏi sự xâm hại của những gốc tự do. Hạn chế tối đa ăn mỡ động vật, ăn ít đường, bơ, phomát, không nên ăn mặn; những món dưa, cà càng hạn chế. Đặc biệt, không nên ăn các món phủ tạng động vật. Không uống nhiều rượu, bia và những chất kích thích khác.
+ Ngoài ra, nên thực hiện những bài tập thư giãn, dưỡng sinh mỗi lần từ 15 đến 20 phút, 1-2 lần mỗi ngày để giúp tạo ra những đáp ứng thư giãn và giữ được tinh thần lạc quan và sự tự tin. Thực hành tốt những điều này không chỉ có thể phòng ngừa và điều trị cơn đau thắt ngực mà còn giúp tăng cường hệ miễn dịch, cải thiện sức khoẻ và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Có thể bạn quan tâm:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét